Người “thổi hồn” cho gốm
Họ là thợ gốm? Không, họ là những nghệ sĩ "thổi hồn" vào gốm. Từ đất, dưới bàn tay khéo léo vuốt, nặn, để tạo mỗi sản phẩm là một cốt cách, mỗi sản phẩm là một câu chuyện và đúng là mỗi cái đều mang "hồn" riêng...
Tóm tắt nội dung
Đường về làng gốm cổ Kim Lan không xa hơn Bát Tràng là mấy nhưng sao khiến khách đến đây cứ ngài ngại. Từ khi đào con sông Bắc Hưng Hải, xã Quang Minh tách ra thành Kim Lan và Bát Tràng. Đi dọc đê sông Hồng về hướng Đông Nam (hướng đi Hưng Yên), du khách, người buôn bán dừng ngay ở biển chỉ dẫn làng gốm Bát Tràng chứ ít người qua sông, thêm cây số nữa vòng qua đầu Xuân Quan để rồi đến được Kim Lan. Chỉ vì cái khúc quanh mà làm Kim Lan cứ bị xa dần, lắng dần… cho dù nơi đây được coi là cái nôi của nghề gốm sứ tại vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Chỉ dẫn vào làng gốm cổ và cổng làng Kim Lan
Về Kim Lan, được đến Miếu Bản, đình chùa và cả nhà thờ… để thấy được lịch sử cổ của ngôi làng này. Theo tài liệu khảo cổ, Kim Lan là nơi chuyên sản xuất những sản phẩm gốm sứ của An Nam cho Nhật Bản. Làng cổ này còn là nơi được đặt cả tình yêu trọn đời của một nhà nghiên cứu người Nhật, TS. Nishimura Masanari. Nói là trọn đời vì ông đã nằm lại ở mảnh đất cùng với những người thợ gốm Kim Lan nơi đây .
Theo những người dân lao động ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), tôi qua đò ngang tới bến Kim Lan, bến đò nhỏ, đơn sơ nhưng cũng là con đường mưu sinh giao thông của dân làng hai bên bờ sông từ lâu rồi.
Bến đò Kim Lan gắn với cuộc sống mưu sinh của người dân lao động hai bên bờ sông Hồng
Kim Lan thật yên bình, mỗi nhà, mỗi lò cứ đều đều cho ra những sản phẩm gia dụng, từ ngói, gạch cảnh, chum vại đến bát đĩa và đồ thờ cúng… Dọc đường làng là ô tô lớn, nhỏ các loại đến mua hàng, chủ yếu là mua buôn.
Sản phẩm của Kim Lan
Cũng thật nhân duyên, tôi may mắn gặp một nghệ nhân trẻ, trẻ tuổi đời nhưng tuổi nghề thì rất "trưởng thành" vì anh sinh ra đã gắn với nghề từ ông, từ bố, từ làng cổ này - nghệ nhân Phạm Văn Nguyên - người mong muốn giữ gìn phương pháp vuốt nặn thủ công và phát triển thương hiệu gốm cổ Kim Lan. Không chỉ là đam mê, anh đặt cả tình yêu và sự nghiệp vào đất... để tạo nên "cốt cách" riêng cho từng sản phẩm gốm Nguyên Hằng.
Họ là thợ gốm, không, họ là những nghệ sĩ "thổi hồn" vào gốm. Từ đất, dưới bàn tay khéo léo vuốt, nặn, để tạo mỗi sản phẩm là một cốt cách, mỗi sản phẩm là một câu chuyện… và đúng là mỗi cái đều mang "hồn" riêng. Để kể sự trăn trở về nghề, từ chọn đất, đúc rút kinh nghiệm từ các sản phẩm không thành công, từ cách tính độ co ngót của sản phẩm thủ công đến cách nâng đỡ vào/ra lò… là cả câu chuyện dài. Đó là chưa kể đến những thợ vẽ, sản phẩm vẽ tay không thể tính bằng tuần mà phải nhiều tuần mới hoàn thành được sản phẩm. Càng ngắm càng mê, gốm Kim Lan đẹp cả cốt, dáng, nét và men.
Trò chuyện với người nghệ nhân trẻ tuổi mới biết rằng, anh còn nhiều trăn trở với nghề, đau đáu nỗi niềm giữ nghề thủ công cổ, giữ danh truyền về Kim Lan. Anh cũng tâm sự thật: "Người Kim Lan biết làm nghề giỏi hơn là cách tiếp cận thị trường, tiếp thị để xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gốm Kim Lan và các thương hiệu sản phẩm của từng dòng họ, gia đình". Hiện tại, duy chỉ sản phẩm Gốm sứ Nguyên Hằng được anh Nguyên gắn logo Kim Lan, nhưng còn nhiều sản phẩm khác chưa có tên… Cho dù những năm gần đây, với nhiều dự án hỗ trợ của quốc tế và trong nước, gốm Kim Lan đã dần khởi sắc, sản phẩm của Kim Lan đã đi nhiều nơi, nhưng để xứng tầm của mình thì thực sự còn nhiều gian nan…
Tìm lại và thúc đẩy phát triển một làng nghề cổ quý, nỗ lực không còn là riêng những người yêu gốm, sống cùng gốm mà cần nhiều chính sách phát triển của các ngành, các cấp để hỗ trợ. Mong một ngày gần đây, thương hiệu gốm Kim Lan, đặc biệt là những sản phẩm "handmade" sẽ đi vào cuộc sống, đến từng nhà gần, xa.
Theo reatimes
Các sản phẩm về Gốm Kim Lan, Quý khách quan tâm vui lòng liên hệ qua form dưới đây.